Sốc Phản vệ với Ceftriaxone
Tóm tắt: Sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng là hiếm gặp đối với kháng sinh Ceftriaxone (Cephalosporin thế hệ 3). Tuy nhiên, sốc phản vệ với Ceftriaxone có thể xảy ra rất nhanh và không thể dự đoán trước được, trên những bệnh nhân dù không có tiền sử tiếp xúc với loại kháng sinh nhóm này và kể cả thử nghiệm phản ứng trên da âm tính. Có nhiều báo cáo trẻ sơ sinh bị sốc phản vệ với Ceftriaxone khi dùng chung với các sản phẩm có chứa calcium như dung dịch Ringer lactate. Cho nên, ngoài những thủ tục thường quy bắt buộc khi sử dụng Ceftriaxone như thử nghiệm phản ứng trên da, ngoài việc không sử dụng Ceftriaxone với các sản phẩm có chứa calcium trong vòng 48 giờ thì cần phải có sẵn bộ cấp cứu sốc phản vệ ngay bên cạnh và cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau khi dùng thuốc ít nhất là 30 phút.
Các báo cáo về ceftriaxone:
-Sốc phản vệ với Ceftriaxone ngay trong lần sử dụng đầu tiên được mô tả chi tiết và có kiểm chứng bằng thực nghiệm trên một bệnh nhi trai, 3 tuổi. Dùng Ceftriaxone với liều 100mg/kg tĩnh mạch.
-Sốc phản vệ với Ceftriaxone và tử vong, bệnh nhân nam 52 tuổi. Nhập viện để phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch hai chi dưới, Đêm trước phẫu thuật, bệnh nhân đã được thử nghiệm da phản ứng Ceftriaxone và có đối chứng với mẫu nước, kết quả âm tính. Bệnh nhân được truyền dịch tĩnh mạch với tốc độ chậm, ringer lactate 1 lít có pha 1g Ceftriaxone.
-Ceftriaxone, sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh khi trộn lẫn với calcium (Pháp, China)
Công ty dược phẩm Roche từ tháng 5/2007 và sau đó 08/2007 đã cho thông báo đến các tổ chức chuyên môn về thông tin cảnh báo khi sử dụng sản phẩm Ceftriaxone (tên thương mại của Roche là Rocephin) về một số quy định mới khi dùng Ceftriaxone
Không nên trộn Ceftriaxone với các sản phẩm có chứa calcium, như dung dịch Ringer hoặc Hartmann hoặc sử dụng cùng với các sản phẩm dinh dưỡng truyền có chứa calcium.
Không sử dụng Ceftriaxone và các sản phẩm có chứa calcium qua đường tĩnh mạch chung hoặc khác đường truyền trong vòng 48 giờ.
• Cho đến nay cũng chỉ mới có các báo cáo về các trường hợp sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh nghi do tương tác giữa Ceftriaxone và calcium, tuy nhiên cũng không thể loại trừ nguy cơ này ở các lứa tuổi khác.
• Cần phải hỏi kỹ tiền sử đã sử dụng sản phẩm có chứa calcium trong vòng 48 giờ qua trước khi dùng Ceftriaxone cho bệnh nhân.
• Chống chỉ định dùng Ceftriaxone (Rocephin) cho trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da tăng bilirubin, đặc biệt ở trẻ sinh non.
Một vài nhận xét
Ceftriaxone là một loại kháng sinh thuộc nhóm β-lactams nên cũng có thể gây ra nhiều phản ứng quá mẫn kể cả nhóm I (sốc phản vệ theo cơ chế tiền mẫn cảm-IgE) và nhóm IV (quá mẫn muộn qua trung gian tế bào lympho T). Tuy nhiên, tính chung thì tần suất phản ứng quá mẫn đối với Ceftriaxone là khoảng 3%, thấp hơn và hiếm gặp sốc phản vệ hơn so với penicillin. Cho đến hiện nay, cơ chế sốc phản vệ do Ceftriaxone vẫn chưa được chứng minh và giải thích thoả đáng.
Theo lý thuyết kinh điển, đối với sốc phản vệ thường xảy ra theo cơ chế tiền mẫn cảm- IgE. Có nghĩa là bệnh nhân thường có tiền sử đã từng tiếp xúc với các thuốc có cùng nhóm như penicilline hoặc cephalosporin- như một kháng nguyên (antigen) và trên cơ địa quá mẫn. Cơ thể nhận dạng kháng nguyên đã được tiếp xúc này và có khả năng sản xuất ra kháng thể IgE đặc hiệu. Khi tái sử dụng với Ceftriaxone, có thể phản ứng sản xuất IgE đặc hiệu, kích hoạt chuỗi phản ứng kháng nguyên-kháng thể, phóng xuất ồ ạt histamine và gây nên tình trạng sốc phản vệ lâm sàng.
Tuy nhiên, qua hai trường hợp báo cáo lâm sàng trên đây có điều đặc biệt ghi nhận là đều xảy ra sốc phản vệ sau lần đầu tiên dùng Ceftriaxone và chưa bao giờ có tiền sử tiếp xúc với các loại kháng sinh nhóm này.
Thứ hai, các trường hợp này đều có làm thử nghiệm da, đều không cho thấy có phản ứng quá mẫn với Ceftriaxone.
Thứ ba, ở trường hợp đầu, các tác giả còn tái lập lại thử nghiệm, thử nghiệm da vẫn âm tính, nhưng tái diễn sốc phản vệ khi dùng đường tĩnh mạch. Xét nghiệm IgE đặc hiệu với Ceftriaxone không có.
Điều đó cho phép suy luận về một giả thuyết có một cơ chế sốc phản vệ nào đó đối với Ceftriaxone, độc lập với cơ chế sốc phản vệ kinh điển nêu trên. Có thể giả thuyết sốc phản vệ này là loại quá mẫn muộn qua cơ chế lympho T gây độc tế bào (quá mẫn loại IV) theo các tác giả báo cáo trường hợp bệnh nhi đề xuất.
Theo các báo cáo không chính thức về các trường hợp sốc phản vệ có thể do tương tác giữa Ceftriaxone với các sản phẩm dược có chứa calcium trên trẻ sơ sinh và lý thú là trong trường hợp lâm sàng 2, bệnh nhân cũng được dùng Ceftriaxone pha trong dung dịch Ringer lactate, một dung dịch chứa calcium. Mặc dù chưa chứng minh được có mối quan hệ nhân quả thực sự giữa tương tác này hay chỉ là ngẫu nhiên, nhưng theo nguyên lý an toàn, công ty Roche đã khuyến cáo lại cách sử dụng sản phẩm Ceftriaxone.
Sốc phản vệ do Ceftriaxone gần như không dự đoán được. Cho nên, ngoài những thủ tục thường quy bắt buộc khi sử dụng Ceftriaxone như thử nghiệm phản ứng trên da, thì cần phải có sẵn bộ cấp cứu sốc phản vệ ngay bên cạnh khi tiêm thuốc cho bệnh nhân và cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau khi dùng thuốc ít nhất là 30 phút. Không sử dụng Ceftriaxone với các sản phẩm có chứa calcium trong vòng 48 giờ và không dùng Ceftriaxone cho trẻ sơ sinh có vàng da do tăng bilirubin và trẻ sinh non theo khuyến cáo mới đây của hãng bào chế.
Http://www.who.int/selection_medicines/committees/subcommittee/2/Ceftriaxone.pdf
Trích Bs Trần Minh Thiệu
Nếu bạn thích bài đăng này, vui lòng giúp chúng tôi và chia sẻ trên Zalo, LinkedIn, Twitter, Facebook, v.v.. Ngoài ra, có thể theo dõi trang www.thuvienykhoa.com.vn để đọc thêm các nội dung bổ ích khác.
Chân thành cảm ơn!
Ban Biên Tập.