WORKING MEMORY
NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ
Càng già càng quên là chuyện tự nhiên. Nhưng tốc độ quên không tùy thuộc tuổi tác. Có người còn trẻ lại quên nhiều hơn người già, và có nhiều người già lại nhớ dai hơn người cùng tuổi.
Trong một cuốn sách vừa ra của BS Richard Restak, GS Thần kinh và Lâm sàng ĐH George Washington, tác giả của khoảng 20 đầu sách về trí nhớ, ông đưa ra khái niệm về “working memory”. Khác với trí nhớ điều vừa xảy ra (recent memory) hay trí nhớ những việc đã lâu (long-termed memory), trí nhớ hữu dụng (working memory) là loại trí nhớ giúp ta sinh hoạt hàng ngày, hiển thị ta là một con người với trí thông minh hữu dụng ngày ấy.
Nguyên nhân chủ yếu nhất làm ta quên là vì ta không thật sự chú ý đến nó. Thí dụ trong một buổi tiệc gặp nhiều người lạ, có những người ta sẽ nhớ và có người không. Người ta nhớ là người có đặc điểm gì đó, nói câu gì đó, hay mình hỏi họ chuyện gì đó. Tiêu biểu nhất là tên người, nếu ta thật sự chú ý người đó, thì ta sẽ cố nhớ. Cách dễ nhớ nhất là ta thường gắn tên đó với một sự vật nào đó, hay trùng tên với người quen biết nào khác trước đó.
Trong thời đại mạng hiện nay, ĐT di động là một công cụ làm cho trí nhớ ta cùn đi lúc nào không hay.
-Thí dụ contact list, what-to-do list, grocery list v.v. Đúng là những thứ đó giúp ta rất nhiều vì ta không thể nào nhớ hết được. Nhưng đừng ỷ lại vào chúng. Hãy tập thói quen như danh sách đi chợ, lấy danh sách ra xem một lần thôi, rồi vào chợ cố gắng nhớ, chỉ kiểm tra lại lần cuối cùng xem có sót không. Nấu ăn thường xuyên (mà không coi chỉ dẫn) là một cách luyện trí nhớ.
-Chỉ dùng GPS khi đến nơi lạ. Một khảo sát cho thấy sử dụng GPS như là một thói quen sẽ làm mất định hướng trong không gian trong vòng 3 năm. Link bên dưới.
-Thói quen chụp hình lưu vào ĐT để khi cần thì rút ra tìm sẽ làm mất kỹ năng quan sát và phân tích tại chỗ, vì trí nhớ ỷ y là ghi lại rồi.
-Vừa xem ĐT vừa làm công việc khác (kiểu multitasking): khi sự phân tâm trở thành một thói quen, não sẽ không còn mã hóa một cách có hiệu quả nữa.
Để có được trí nhớ hữu dụng, có những thực hành đơn giản như sau:
-Bài tập trả lời đúng sai 20 câu hỏi về một vấn đề gì đó. Sau đó lập lại bộ câu hỏi cho đến khi trả lời đúng hết toàn bộ câu hỏi.
-Liệt kê một thứ tự theo kiểu xuôi rồi ngược. Thí dụ thứ tự các triều vua VN chẳng hạn.
▶️QUÊN BÌNH THƯỜNG HAY BẤT THƯỜNG?
Việc mất trí nhớ, ngoài dấu hiệu người ta thường nói là mất trí nhớ gần, còn có một dấu hiệu thú vị khác là bỏ đọc sách tiểu thuyết mà chuyển sang đọc sách non-fiction. Lý do đọc sách tiểu thuyết (hư cấu= fiction) cần phải nhớ kết cấu cốt truyện và tính cách, hành động các nhân vật theo thứ tự thời gian. Điều nầy khó cho những người giảm trí nhớ.
Nhưng thế nào là quên bình thường và trường hợp nào là bất thường? BS Restak đưa ra 9 trường hợp cho bạn đọc phán đoán:
A. Tôi liệt kê danh sách mấy món hàng đang hạ giá rồi lên xe đi vào chợ. Sau khi mua xong, ra về quên mất chỗ đậu xe. Phải đi lòng vòng rất lâu để tìm ra xe. Quên bình thường hay bất thường?
B. Sau khi mua đồ xong, tôi không nhớ là tôi tự lái đến hay có người chở tôi đến. Quên bình thường hay bất thường?
C. Tôi không nhớ tên mấy đứa cháu nội và cháu ngoại. Quên bình thường hay bất thường?
D. Khi nói chuyện với em tôi, 2 người bất đồng các câu chuyện xảy ra hồi nhỏ mà chúng tôi có chung với nhau. Quên bình thường hay bất thường?
E. Hồi trước tôi chơi cờ tướng rất cừ. Bây giờ không nhận ra mấy quân cờ. Quên bình thường hay bất thường?
F. Trên đường lái xe từ sở làm về nhà, tôi đi lộn đường mà từ trước đến giờ chưa hề. Quên bình thường hay bất thường?
G. Càng lúc tôi càng không nhớ nổi mấy cái tên. Quên bình thường hay bất thường?
H. Khi tôi đi chợ, tôi phải viết ra danh sách đồ mua, bằng không sẽ quên ít nhất 1-2 món. Trong khi đó là một diễn viên dù ở tuổi 80, chỉ cần học kịch bản trong một vài ngày là tôi có thể nói vanh vách không cần nhắc tuồng. Vậy là thế nào? Bình thường hay bất thường?
I. Tôi đã sẵn sàng hành lý. Nhưng khi xách ra xe, tôi không nhớ là sẽ đi đâu. Quên bình thường hay bất thường?
Trả lời:
A. Quên bình thường. Bạn đang chú ý đến các món hàng bạn cần mua nên không chú ý đậu xe chỗ nào.
B. Bất thường. Khác với trường hợp A (đơn thuần là không nhớ vị trí nầy hay vị trí khác), bạn đã không liên kết được với chuỗi sự kiện trên đường đi đến chợ (ngồi trên xe làm gì, nghe nhạc một mình, hay nói chuyện với người khác, hay ngắm nhìn đường phố, v.v. ) để có kết luận là mình lái hay người khác lái.
C. Quên bình thường. Khi bạn chú tâm đến cháu thì bạn mới nhớ tên chúng. Không nhớ tên tất cả cháu, nhất là có quá nhiều đứa, có đứa ở rất xa, không phải là chuyện bất bình thường.
D. Quên bình thường. Không phải mọi người đều có cùng một trí nhớ về quá khứ. Khác biệt về tuổi tác, cách nhìn, giới tính, cảm xúc… đều có thể khác nhau.
E. Quên một kỹ năng đã thực hành thường xuyên trước đây là điều bất thường. Bạn có thể thực hiện kém hơn trước, nhưng không thể quên các điều cơ bản nhất (đây là ý nghĩa các quân cờ).
F. Quên bình thường. Một kỹ năng lập đi lập lại đến nổi người ta không chú ý đến nó nữa. Rẽ lầm đường khi tâm trí đang bận tâm một chuyện khác, hay do suy nghĩ vớ vẩn. Điều nầy thường hay xảy ra với các vận động viên. Họ thường tập một thao tác thành phản xạ nhàm chán đến nổi phải “chú tâm” mới đạt được thành tích mới.
G. Quên bình thường. Đây là lời than phổ biến nhất và không phải là biểu hiện của bệnh. Điều hiển nhiên là không có liên hệ gì giữa khuôn mặt và tên, mà bạn phải tự làm cái nối kết ấy. Người nhớ nhiều tên là người có tài làm ra sự nối kết. (Hẳn bạn nhớ các tên đặt “trời ơi” của mấy bạn thời đi học hơn là mấy cái tên bình thường)
H. Bình thường. Thuộc một danh sách đi chợ có tính vô hồn. Còn thuộc một kịch bản với một diễn viên có nhiều năm tuổi nghề là một thế giới họ đang sống với cả tâm hồn trong đó.
I. Câu trả lời thật bất ngờ, đó là bình thường, trong trường hợp đặc biệt. Điều đó xảy ra với những người workaholic, làm việc quá mức không nghỉ ngày đêm, được thu xếp một thời gian xả hơi. Còn đối với người có cuộc sống thư giãn thì đây là điều bất thường!
Link https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7156656/
Nguồn: Anh Nguyen Dinh Van