Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Nghị định nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế gồm 20 đơn vị:
1. Vụ Bảo hiểm y tế.
2. Vụ Tổ chức cán bộ.
3. Vụ Kế hoạch – Tài chính.
4. Vụ Pháp chế.
5. Vụ Hợp tác quốc tế.
6. Văn phòng bộ.
7. Thanh tra bộ.
8. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
9. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền.
10. Cục Quản lý Dược.
11. Cục An toàn thực phẩm.
12. Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế.
13. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo.
14. Cục Dân số.
15. Cục Phòng bệnh.
16. Cục Bà mẹ và Trẻ em.
17. Cục Bảo trợ xã hội.
18. Viện Chiến lược và Chính sách y tế.
19. Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia.
20. Báo Sức khỏe và Đời sống.
Các tổ chức quy định từ 1 đến 17 là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ 18 đến 20 là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Vụ Kế hoạch – Tài chính có 5 phòng.
Bộ trưởng Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Bộ Y tế theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; bà mẹ, trẻ em; dân số; phòng, chống tệ nạn xã hội (trừ nhiệm vụ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy); bảo trợ xã hội; y, dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; thiết bị y tế; bảo hiểm y tế và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Bộ Y tế xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về chuyên môn kỹ thuật, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế – kỹ thuật, các tiêu chí chất lượng về: khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện, an toàn truyền máu, điều dưỡng, phục hồi chức năng; phẫu thuật thẩm mỹ; hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người…
Bộ Y tế quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, số lượng người làm việc, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, từ chức, cách chức, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu.
Thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025
Nguồn Báo Lao động.