ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC VỀ 5S CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Tác giả Văn Nguyên Nguyễn và cộng sự [2021]
🪻Tóm tắt
5S là một hình thức quản lý trực quan có hệ thống, được áp dụng như một phương pháp chuẩn hóa tại bệnh viện. Để triển khai phương pháp đạt hiệu quả, cần nâng cao kiến thức của nhân viên, tuy nhiên hiện nay rất ít nghiên cứu đánh giá về kiến thức áp dụng 5S tại các bệnh viện.
🍀Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá về kiến thức 5S của nhân viên y tế tại Bệnh viện trường Đại học Y dược Cần Thơ và một số yếu tố liên quan.
Phương pháp nghiên cứu cắt ngang mô tả, chọn mẫu toàn bộ tại Bệnh viện trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Đối tượng nghiên cứu là nhân viên y tế hiện đang làm việc lại tại Bệnh viện trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Sử dụng bảng kiểm 5S của tổ chức JICA.
📝Kết quả cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức 5S đạt là 57,3%. Trong đó tỷ lệ kiến thức đạt cao nhất ở lĩnh vực Sạch sẽ (67,8%) và thấp nhất là Sàng lọc (49,8%).
📌Nhóm tuổi có mối liên quan đến kiến thức áp dụng về 5S. Kiến thức đúng về 5S cao nhất ở yếu tố sạch sẽ và thấp nhất ở sàng lọc. Cần triển khai thêm các lớp tập huấn về 5S, tăng cường bổ sung kiến thức đặc biệt ở nhóm dưới 30 tuổi.
IV. BÀN LUẬN
Trung bình chung tổng điểm 5S là 4 điểm, tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức 5S đạt là 57,3%.
Trong đó tỷ lệ kiến thức đạt cao nhất ở lĩnh vực Sạch sẽ 67,8%, tiếp theo là Sẵn sàng 66,3%, Săn sóc là 64,3%, Sắp xếp 58,4% và cuối cùng là Sàng lọc 49,8%.
Kết quả nghiên cứu trái ngược với nghiên cứu của tác giả Vijay P. Pandya và cộng sự tại Ấn Độ năm 2015, Sàng lọc đạt điểm cao nhất (3,80), tiếp theo là Sắp xếp (3,79) và Săn sóc (3,71), cuối cùng là Sẵn sàng 3,64 điểm và Sạch sẽ là 3,6 điểm.
Để triển khai hiệu quả 5S thì cần tiến hành theo trình tự chuẩn Sàng lọc-Sắp xếp-Sạch sẽ-Săn sóc-Sẵn sàng, tuy nhiên kết quả cho thấy Bệnh viện hiện tập trung chủ yếu ở lĩnh vực Sạch sẽ, nghĩa là ưu tiên giữ cơ sở (bên trong và bên ngoài) được giữ sạch sẽ theo 5S mà thiếu đi quá trình phân loại, sàng lọc, sắp xếp bố trí lại vật dụng.
Điều này cho thấy sự thiếu hệ thống, thiếu trình tự trong việc triển khai 5S tại Bệnh viện, dẫn đến hiệu quả 5S không được nhìn nhận và chưa đạt được như mong muốn.
Bên cạnh đó, kết quả còn cho thấy sự khác biệt giữa tỷ lệ đạt ở từng lĩnh vực với tỷ lệ đạt chung về 5S. Trong khi tỷ lệ kiến thức đạt ở 4 lĩnh vực Sắp xếp-Sạch sẽ-Săn sóc-Sẵn sàng dao động từ 58,4% đến 67,8%, riêng Sàng lọc là 49,8% nhưng tỷ lệ đạt chung về 5S chỉ là 57,3%. Điều này được giải thích nghiên cứu tính tỷ lệ Đạt dựa theo điểm trung bình chung của 37 nội dung từ 4 điểm trở lên chứ không dựa vào trung bình tổng tỷ lệ ở cả 5 lĩnh vực.
Mặt khác do có sự chênh lệch khá cao điểm kiến thức ở từng câu hỏi trong từng lĩnh vực, dẫn đến trung bình điểm chung cao và tỷ lệ cao ở từng lĩnh vực, nhưng tỷ lệ chung 5S lại thấp hơn. Điều này cho thấy sự không đồng đều trong kiến thức của nhân viên về 5S, do Bệnh viện chưa triển khai các lớp đào tạo về 5S, chưa áp dụng 5S có hệ thống và đồng bộ cho toàn bộ khoa/phòng dẫn đến sự chênh lệch về kiến thức, từ đó dẫn đến thực hành 5S sai hoặc không hiệu quả.
Kết quả cho thấy nhóm tuổi 40 – 49 tuổi có kiến thức về 5S đạt cao gấp 2,64 lần so với nhóm dưới 30 tuổi, sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê với p = 0,042, OR = 2,64 (KTC95%: 1,04 – 6,71). Điều này có thể được giải thích do nhân viên y tế ở nhóm 40 – 49 tuổi là nhóm được tích luỹ nhiều kinh nghiệm thực tế, cũng như với vai trò kiêm nhiệm là giảng viên của trường Đại học Y Dược Cần Thơ thì kiến thức nhân viên y tế ở nhóm tuổi này cao hơn các nhóm dưới 30 tuổi.
Do đó, trên nền tảng nhân viên y tế đã có lượng kiến thức nhất định thì cần triển khai thêm các lớp tập huấn về 5S nhằm cập nhật kiến thức và thực hành. Đồng thời trong quá trình triển
khai 5S, cần chú ý thúc đẩy bổ sung kiến thức cho nhóm tuổi dưới 30 tuổi, cũng như thay đổi về thực hành cho các nhóm nhân viên y tế từ 40 tuổi trở lên.
KẾT LUẬN
Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức 5S tại Bệnh viện trường Đại học Y dược Cần Thơ đạt là 57,3%.
Kiến thức đúng về 5S cao nhất ở yếu tố Sạch sẽ và thấp nhất ở Sàng lọc.
Nhóm tuổi có mối liên quan với kiến thức đúng về 5S. Do đó, Bệnh viện cần triển khai thêm các lớp tập huấn, chú ý thúc đẩy bổ sung kiến thức cho nhóm tuổi dưới 30, đồng thời thay đổi thực hành cho các nhóm nhân viên y tế từ 40 tuổi trở lên. Đồng thời, ban lãnh đạo Bệnh viện cần tiếp tục triển khai 5S một cách toàn diện, có hệ thống, cải tiến khâu Sàng lọc để hướng tới đạt mức chất lượng 5S tốt hơn như kết hợp tập huấn với thực hành thực tế, tổ chức định kỳ các buổi thực hành Sàng lọc ứng dụng các phương pháp khoa học như dán nhãn đỏ, lập kế hoạch, đánh giá chéo giữa các khoa/phòng nhằm tăng khả năng học hỏi lẫn nhau trong bệnh viện,…
Trích dẫn
Văn Nguyên, N. ., Ngọc Quang, L. ., Văn Tập, N. ., & Quỳnh Trúc, N. . (2022). ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC VỀ 5S CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ, NĂM 2021. Tạp Chí Y học Việt Nam, 517(2). https://doi.org/10.51298/vmj.v517i2.3246